Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn trường Đại học Công nghiệp TP.HCM
Mỗi ngày một tin tốt
chudenamhoc_new
Sài Gòn – “Máu tử tế” đã ăn sâu
27-04-2019   892 views  

Tử tế đầu tiên: Cứ tới, ở, yêu - là thành người Sài Gòn!

Nếu nói về sự tử tế của Sài Gòn, phải bắt đầu nói từ sự đón nhận không giới hạn của mảnh đất này. Ở được với Sài Gòn là thành người Sài Gòn. Không cần phải chứng tỏ, vì thành phố này chẳng đuổi ai đi. Ăn sáng ở quán phở quen trước ngõ, cuối tuần ngồi vỉa hè uống ly cà phê sữa đá, có cô người yêu cũ ở quận 4, hít thở cái ồn ào bụi bặm của Sài Gòn… riết thành thương. Vậy là người ở đây rồi đó.

Sài Gòn – “Máu tử tế” đã ăn sâu - Ảnh 1.

Sài Gòn cà phê sữa đá – là Sài Gòn ta không muốn rời đi, đi rồi chỉ muốn trở về.

Kể cũng lạ, "người Sài Gòn" không có một tiêu chuẩn riêng để mà phải cố gắng thể hiện mới được công nhận. Quê ở đâu cũng được, nhà thuê nhà mua cũng thế, nói giọng Sài Gòn hay xứ khác cũng có sao đâu. Muốn cư xử "cho ra dáng" người Sài Gòn cũng khó, vì làm gì có cái cẩm nang nào hướng dẫn chuyện này.

Nhưng lạ lắm, Sài Gòn có thể "đồng hoá "những người tới ở với nó. Không phải kiểu gò bó gượng ép người ta phải giống mình, mà như kiểu chơi chung với một đứa bạn dễ thương, tốt tính, lắm lúc hơi khùng khùng mãi rồi thành ra lây tính, vậy thôi.

Nên đi lạc ở Sài Gòn thì dễ, chứ lạc lõng ở Sài Gòn thì không!

Tử tế thứ hai: Những tiếng dạ thưa

Ở Sài Gòn, người ta quen nói ngọt. Không phải ngọt theo kiểu khen lấy lòng hay xã giao. Mà là những tiếng dạ, thưa, cám ơn, xin lỗi - nằm sẵn trong tim và nằm ngay cửa miệng.

Ngồi xuống xe hủ tiếu, "dạ cô ăn gì?", "dạ cho con tô hủ tiếu không hành, không gan". Tới khi trả tiền "con gởi, cám ơn chú", "cám ơn cô, lần sau ghé nữa nha!". Vô tình quẹt xe nhau tí xíu lúc dừng đèn đỏ, cả hai cùng xin lỗi, "thắng hổng kịp, xin lỗi!", người kia cười cái khì, đi tiếp.

Hôm nào đi ăn hủ tiếu quên mang theo tiền là nhận được ngay cái cười xoà của cô chú chủ quán: "Cho thiếu đó, mai quay lại trả tui!".

Người Sài Gòn "mát tính", nên nhờ vậy sống tốt suốt 12 tháng hè.

Sài Gòn – “Máu tử tế” đã ăn sâu - Ảnh 2.

Tử tế thứ ba: "Lo bao đồng"

Ở Sài Gòn người ta ít khi tọc mạch, nên nhiều lúc bị hiểu lầm là thờ ơ "mạnh ai nấy sống". Mà không phải. Chỉ là ở đây người ta không thích phán xét, hiếm khi làm phiền người khác. Nhưng vẫn hay… lo bao đồng. Ra đường thấy ai quên gạc chống xe là đi theo nhắc. Lơ ngơ đi sai đường, dừng lại hỏi nhiều khi còn được dẫn đường tới tận nơi. Mấy đứa lúc nào cũng cắm mặt vào điện thoại hay được quở "Coi chừng giựt điện thoại con ơi!".

Sài Gòn – “Máu tử tế” đã ăn sâu - Ảnh 3.

Ở Sài Gòn, không bao giờ thiếu những lời hỏi han. Và những tấm lòng "bao đồng" dễ thương hết sức.

Tử tế thứ tư: Miễn phí

Ở Sài Gòn cái gì cũng có. Có những thứ rất đắt, nhưng có những thứ miễn phí hoàn toàn. Bình trà miễn phí, có cơm, phở, hủ tiếu, bánh mì miễn phí. Có anh diễn viên tối tối đi "hớt tóc dạo", giúp cô chú lao động nhìn bảnh hơn. Có cửa hàng quần áo miễn phí, vá xe, sửa giày miễn phí.

Những thứ miễn phí ở Sài Gòn: nhiều lắm!

Và hơn hết, chính là sự xuất hiện của những trạm nước lọc miễn phí được tài trợ bởi dự án Ngày Nước Tài Sinh của Tập đoàn Đại Việt.

Tháng 3 vừa qua, những chiếc máy lọc nước Daikiosan đã được lắp tại trường giáo dục chuyên biệt Hy Vọng nuôi dạy những trẻ em khuyết tật và mái ấm Hướng Dương (Quận 6, TP HCM) ngôi nhà của những "mầm nhỏ lạc loài". Dòng nước ngọt lành không chỉ làm dịu cơn khát mà còn tưới mát những hạt mầm yêu thương trong tâm hồn trẻ nhỏ. Để các em tin vào những điều tốt lành trong cuộc sống, tin vào một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón.

Trước đó, cả một khu phố 480 hộ ở Mả Lạng được tặng luôn trạm lọc nước Daikiosan khổng lồ có công suất lên đến 20.000 lít/ ngày, phục vụ nước sạch ngay tại vòi cho bà con mỗi ngày. Dĩ nhiên, cũng miễn phí.

Ngày bàn giao hệ thống lọc, có chú lớn tuổi uống thử, khà một cái nói liền "nước ngon quá". Cả hội đi lắp máy lọc nghe mà thấy sướng theo, càng thêm quyết tâm thực hiện Ngày Nước Tái Sinh để thêm nhiều nơi được dùng nước sạch miễn phí.

Sài Gòn – “Máu tử tế” đã ăn sâu - Ảnh 4.

Và miễn phí, không phải là chuyện của tiền, dù người giàu hảo tâm ở Sài Gòn vô số. Miễn phí của Sài Gòn là lòng tử tế tự nhiên, thấy người ta khổ thì mình thương, muốn làm họ bớt khổ. Họ vui, mình cũng vui.

Sài Gòn tử tế vì có chúng ta!

Sài Gòn không phải cô tiên xanh trong cổ tích. Nó vẫn là nơi phút trước bạn còn cầm điện thoại, phút sau đã vụt bay khỏi tầm tay. Là nơi ra đường được dặn "đừng đeo vàng", "coi chừng giật giỏ". Mỗi lần triều cường, vẫn muốn gọi một con đò. Mua đồ cần trả giá. Vẫn vô số ngày muốn bỏ nó mà chạy trốn lên một nơi nào đó ít ồn ã vội vàng hơn. Và vô số đêm nằm khóc một mình. Ở Sài Gòn, cái gì cũng có thể xảy ra. Nên dĩ nhiên là người ta cũng có thể tử tế với nhau.

Sài Gòn – “Máu tử tế” đã ăn sâu - Ảnh 5.

Sài Gòn không phải toàn điều đẹp đẽ. Nhưng nó cũng tử tế đủ để chìa tay ra với mọi kiếp người. Nó có chúng ta.

Nếu hỏi sao Sài Gòn tử tế vậy, thì là vì… Sài Gòn có chúng ta.

Sài Gòn tử tế vì chúng ta chọn nhìn thấy sự tử tế và đứng về phía sự tử tế. Cuộc sống mỗi ngày vẫn diễn ra với những điều bất toàn, đan xen giữa niềm vui và đau khổ, thành và bại, lo âu và hi vọng, mưu sinh và tận hưởng, như ngày và đêm tuần hoàn. Không có sự tử tế hiển nhiên. Chúng ta chính là sự tử tế ấy.

Khi nào mình còn tin vào Sài Gòn, Sài Gòn còn tử tế.

Nguồnhttp://kenh14.vn/sai-gon-mau-tu-te-da-an-sau-20190425224424234.chn

Đơn vị liên kết
 Hỗ trợ trực tuyến